Có một vật dụng rất quen thuộc và không thể thiếu trong không gian sống của con người, vật mà con người luôn cần để thay đổi tư thế khi làm một việc nào đó, vật để nghỉ ngơi khi đôi chân mỏi mệt. Đó là cái ghế.
Từ xa xưa, chiếc ghế đã chiếm vị trí quan trọng trong cuộc sống của con người. Trong các triều đại vua chúa từ Đông sang Tây, chiếc ghế được trang trí và khắc họa những họa tiết để gia tăng uy quyền.
Thậm chí chỉ có những người có quyền lực nhất mới được ngồi những ghế có lưng tựa với nhiều nét trang trí. Những cấp bậc ít quyền lực hơn thì chỉ có những chiếc ghế không lưng tựa hoặc lưng tựa thấp.
Thời xa xưa ấy, vật liệu tạo nên chiếc ghế cũng không phong phú lắm, có chăng chỉ là đá, gỗ.
Cái ghế ngày nay hiện diện rất đỗi bình thường trong không gian sống, từ ghế văn phòng, ghế sofa trong phòng khách, ghế bàn ăn, đến chiếc ghế gỗ ngoài hiên nhà...
Trong không gian làm việc hay chốn nghị trường, chiếc ghế còn là một vật dụng thể hiện vị trí và cấp bậc của người sử dụng nó.
Cấu tạo và kích thước
Ghế ngồi phải thoải mái. Cấu tạo và kích thước chính là thông số để đạt đến sự thoải mái. Cấu tạo chiếc ghế gồm bốn thành phần chính: phần chân, phần ngồi, phần tay vịn và phần lưng tựa.
Tùy theo mục đích sử dụng của chiếc ghế mà các thành phần này có khi được gia giảm. Chẳng hạn như chiếc ghế sofa nơi phòng khách thông thường có phần ngồi lớn, phần lưng tựa thấp, phần chân rất thấp, thậm chí không nhìn thấy, phần tay vịn lớn.
Kích thước của chiếc ghế và các thành phần của nó cũng thay đổi tùy theo mục đích sử dụng. Chẳng hạn như ghế ngồi có lưng tựa cho bàn ăn, có kích thước phần mặt ngồi khoảng 400mm x 500mm, chiều cao chân trung bình khoảng 470mm và phần lưng tựa vào khoảng 450mm.
Cho dù với kích thước nào, chiếc ghế phải được lựa chọn cho vừa vặn trong sự tương quan với không gian và với các vật dụng khác.
Ghế trong không gian sống
Ghế, nơi vừa để nghỉ chân vừa để thả thân. Khi muốn một mình, ta với ghế thư giãn cùng sách báo. Khi quây quần, ta đến bên bàn ăn, lựa một chiếc ghế, ngồi xuống bên người thân. Và, ghế còn là thứ để ta có thể nằm dài và ngủ quên với chiếc tivi vẫn sáng đèn… |
Có hai điểm chính cần lưu ý khi bố trí ghế ngồi là: với đa số người, khi ngồi đều không muốn có cảm giác trống trải sau lưng, nhưng tầm nhìn phải bao quát được những sự việc đang diễn ra trong không gian đó.
Khi bố trí sofa trong phòng khách hay phòng giải trí, cần tận dụng những mảng tường để dựa lưng ghế về phía đó, hoặc nếu không có mảng tường như ý, kiến trúc sư hoặc gia chủ có thể thiết kế những tủ sách, vừa trang trí vừa làm điểm hóa giải cảm giác lưng trống trải.
Ghế sofa không chỉ hiện diện trong phòng khách mà còn có thể hiện diện ở bất kỳ một không gian nào để đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi thoải mái, như trong phòng ngủ hay phòng giải trí...
Bố cục bàn ăn nên dành hai vị trí tốt nhất cho chủ nhân của gia đình. Những chiếc ghế còn lại trong bàn ăn không cần quan tâm nhiều đến vị trí.
Và nếu gia chủ có niềm tin vào phong thuỷ thì việc bố trí ghế ngồi cũng cần phải xem xét đến yếu tố này.
Chất liệu
Ghế ngồi ngày nay rất đa dạng về vật liệu cũng như màu sắc, kiểu dáng. Những bộ ghế sofa gỗ dần dần được thay thế bởi những bộ sofa bọc vải với chất liệu bề mặt bắt mắt và mang lại cảm giác dễ chịu cho người sử dụng.
Bản thân những chiếc ghế gỗ bàn ăn giờ đây cũng đa dạng hơn với sự kết hợp nhiều loại vật liệu khác nhau.
Chỉ với chất liệu gỗ, chiếc ghế ngày nay cũng rất đa dạng. Ngoài gỗ tự nhiên còn có những loại gỗ công nghiệp với chất lượng vượt trội và tính thẩm mỹ hơn hẳn.
Tuy nhiên, dù là vật liệu gì đi nữa, chiếc ghế vẫn phải đạt được nhiệm vụ chính yếu là sự vững chắc và thoải mái cho người sử dụng.
Tuy nhiên, dù là vật liệu gì đi nữa, chiếc ghế vẫn phải đạt được nhiệm vụ chính yếu là sự vững chắc và thoải mái cho người sử dụng.
Sáng tạo ra những chiếc chiếc ghế với kiểu dáng "lạ lẫm" và những trải nghiệm riêng biệt không chỉ là đam mê của các kiến trúc sư, các nhà thiết kế nội thất mà còn là của các nhà thiết kế mẫu mã.
KTS Trần Thái Nguyên
0 nhận xét:
Đăng nhận xét